Làm gì để phòng ngừa tình trạng cháy ô tô, xe máy?

 03:22 CH @ Thứ Năm - 23 Tháng Hai, 2012

Thời gian gần đây, người dân Đồng Nai và cả nước nói chung tỏ vẻ hoang mang trước tình trạng ô tô, xe máy đột nhiên phát cháy. Trong khi các cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn đang ráo riết điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố, thì khoảng 20 giờ ngày 19-2, trên tỉnh lộ 767, đoạn thuộc địa bàn ấp 1, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) lại xảy ra vụ cháy xe ô tô BMW loại 4 chỗ ngồi của anh Vũ Duy Dương (ngụ tại TP.Hồ Chí Minh). Sự kiện này lại làm tăng thêm nỗi lo cho người sử dụng ô tô, xe máy.

Một chiếc xe Honda bị cháy trên đường Đồng Khởi (TP. Biên Hòa) vào lúc 12 giờ ngày 18-2.


Xe gì cũng cháy

Theo thống kê của Sở Cảnh sát phòng cháy - chữa cháy (PCCC), thời gian qua trên địa bàn cả nước đã xảy ra 324 vụ cháy ô tô, xe máy. Riêng tại Đồng Nai, tính từ năm 2010 đến ngày 19-2-2012, đã xảy ra trên 10 vụ cháy ô tô, xe máy, gây thiệt hại tài sản hơn 2 tỷ đồng. Điển hình, lúc 13 giờ 15 ngày 17-12-2011, trên quốc lộ 51 (đoạn thuộc địa bàn ấp Long Đức 2, xã Long Đức, huyện Long Thành) xảy ra vụ cháy xe ô tô biển số 60P-1267, khi xe đang lưu thông trên đường, làm thiệt hại khoảng 120 triệu đồng. Khoảng 18 giờ ngày 6-1, trên quốc lộ 1A (đoạn thuộc địa bàn KP3, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) lại xảy ra một vụ cháy xe ô tô khách 16 chỗ ngồi biển số 49X- 8644, làm thiệt hại khoảng 410 triệu đồng. Tương tự, lúc 14 giờ 35 ngày 12-2, trên quốc lộ 1A (đoạn thuộc địa bàn phường An Bình, TP.Biên Hòa), chiếc xe khách giường nằm cao cấp biển số 43B-001.55 do anh Nguyễn Văn Nhựt (SN 1982, ngụ ở tỉnh Quảng Nam) điều khiển chở đầy khách từ Đà Nẵng vào đến đây cũng phát cháy. Nhờ có sự hỗ trợ tích cực của người dân nên ngọn lửa đã được khống chế, không gây thiệt hại nhiều. Mới đây nhất là vụ cháy xe ô tô 4 chỗ ngồi hiệu BMW của anh Vũ Duy Dương như đã nêu ở phần trên, làm thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng.

Qua điều tra nguyên nhân số vụ cháy ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh, bước đầu Sở Cảnh sát PCCC mới chỉ xác định có 6 vụ (chiếm tỷ lệ 66,67% số vụ cháy xe xảy ra) xe bị cháy là do sự cố từ hệ thống điện, như: chập điện, dây dẫn bị quá tải, đánh tia lửa điện, phóng điện; một vụ do rò rỉ ống xăng (chiếm tỷ lệ 11,11%), số còn lại chưa rõ nguyên nhân.

Phòng ngừa bằng cách nào?

Đại tá Võ Văn Sáng, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC cho biết, tình trạng cháy ô tô, xe máy trong thời gian gần đây có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi cơ quan chuyên môn làm rõ nguyên nhân chính dẫn đến sự cố thì các chủ phương tiện cần phải tuân thủ tốt các quy định về an toàn PCCC. Theo đó, người sử dụng phương tiện không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác vào xe, như: thiết bị bảo vệ, còi, đèn...; phải tuyệt đối tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa phải đến những nơi uy tín, đảm bảo chất lượng. Khi xe có dấu hiệu khác thường, như: khó nổ, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét…, phải chủ động kiểm tra và khắc phục kịp thời. Khi để xe trong nhà, ở nơi trông giữ xe phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn nhiệt. Bên cạnh đó, chủ phương tiện phải sử dụng xăng, dầu đúng chủng loại, chất lượng theo quy định; không mua xăng dầu ở các điểm bán không có phép kinh doanh; không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, trong khoang động cơ; nếu là xe 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp theo quy định của Luật PCCC.

Đối với nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy cần nâng cao chất lượng chi tiết các sản phẩm, nhất là các hệ thống điện, nhiên liệu và có hướng dẫn sử dụng chính xác các loại nhiên liệu, các chất phụ gia trong nhiên liệu cho từng loại động cơ. Đối với các cơ sở đại lý, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy cần nâng cao chất lượng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, không vì lợi nhuận mà thay thế các linh kiện, chi tiết kém chất lượng; không tùy tiện lắp đặt các chi tiết không có trong thiết kế xe, nhất là hệ thống điện và nhiên liệu.

Cảnh sát PCCC tỉnh cũng khuyến cáo các điểm trông giữ xe phải tuân thủ các quy định an toàn về PCCC. Nếu giữ xe ngoài bãi phải trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy theo quy định. Còn giữ xe trong nhà cần lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và phải được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Để đảm bảo hiệu quả chữa cháy đối với các gara ô tô trong các nhà cao tầng nên lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt thay cho chữa cháy bằng nước để tránh cho xăng dầu loang ra theo nước chữa cháy gây cháy lan.
Đức Việt

Nguồn:  Đức Việt
Báo Đồng Nai